Hội nghị tập huấn thí điểm bộ tài liệu hướng dẫn hòa giải các vụ việc bạo lực gia đình tại cơ sở
Ngày 21/01, Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên phối hợp UBND thị trấn Mường Chà đã tổ chức các lớp tập huấn thí điểm bộ tài liệu hướng dẫn hòa giải các vụ việc bạo lực gia đình tạithị trấn Mường Chà. Thành phần tham dự gồm có đại diện lãnh đạo UBND, chủ tịch MTTQ, chủ tịch Hội LHPN thị trấn, trưởng Công an, trạm trưởng tram y tế, hiệu trưởng 03 trường (Mầm non, tiểu học, THCS), các công chức Tư pháp, Văn hóa xã hội, văn phòng thống kê, 11 tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban CTMT, Chi hội Phụ nữ và đại diện thành viên tổ hòa giải của 11 tổ dân phố.
Page Content
Tại lớp tập huấn, báo cáo viên đã thông tin, trao đổi, thảo luận chuyên sâu về các nội dung liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở, từ công tác quản lý nhà nước đến tổ chức hoạt động của Tổ hòa giải, kỹ năng của hòa giải viên; hướng dẫn triển khai nội dung cơ bản Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”; giới thiệu, hướng dẫn khai thác Chuyên Trang thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Điện Biên; kỹ năng khai thác tài liệu từ các Trang/Cổng thông tin điện tử phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; kỹ năng biên soạn một số tài liệu pháp luật để đăng tải lên Trang/Chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật,...
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh xuống đến cấp xã cho tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên vừa là điều kiện vừa là biện pháp có tính quyết định đối với công tác hòa giải các vụ bạo lực gia đình. Bởi vì, nếu không có sự lãnh đạo, chỉ đạo và sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền thì đội ngũ hòa giải viên không có điều kiện được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện để nâng cao kiến thức và kỹ năng hòa giải.
Tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong việc nghiên cứu lồng ghép tuyên truyền pháp luật về hòa giải ở cơ sở đối với các vụ bạo lực gia đình trong các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận phát động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Xây dựng khu dân cư 5 không”; “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”...; đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, trong đó đưa tiêu chí không có bạo lực gia đình, không có tệ nạn cờ bạc, ma túy để công nhận gia đình văn hóa.
Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi, tổng kết, đánh giá, phổ biến các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong hoạt động hòa giải ở cơ sở nói chung, hòa giải các vụ bạo lực gia đình nói riêng để các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, học tập và áp dụng dụng trong thực tiễn.
Cùng với việc hòa giải, cần có thái độ nghiêm khắc, lên án hành vi gây ra bạo lực của người gây bạo lực là vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, về an ninh trật tự. Cần áp dụng các chế tài pháp luật khi xử lý hành vi bạo lực gia đình để đảm bảo tính răn đe nghiêm khắc đối với người gây bạo lực theo quy định của pháp luật. Khi hòa giải các vụ bạo lực gia đình đối với phụ nữ, ngoài việc chú ý đảm bảo an toàn cho người phụ nữ, tìm ra nguyên nhân của vụ việc, thì người gây ra bạo lực cũng cần được tôn trọng và lắng nghe, cần được hỗ trợ, giúp đỡ để thay đổi, chỉ khi họ nhận thức được cái sai của mình thì các hành vi bạo lực mới được chấm dứt triệt để.
Đây cũng là dịp để trao đổi, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải ở cơ sở và cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trang bị các kỹ năng cơ bản trong lĩnh vực về gia đình nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.