Quá trình hình thành, hiện trạng và ý nghĩa di tích danh lam thắng cảnh hang động Tìa Chớ, xã Hừa Ngài
1. Tên gọi, đường đến di tích
Hang động Tìa Chớ theo tiếng dân tộc Mông địa phương (Tìa có nghĩa là bãi đất trống, Chớ có nghĩa là cây chuối) bãi đất trống nơi có nhiều cây chuối mọc xung quanh hang động. Từ khi phát hiện hang động Nhân dân vẫn thường gọi là Tìa Chớ. Để đến danh lam thắng cảnh hang động Tìa Chớ có thể đi bằng phương tiện ô tô, xe máy, sau đó đi bộ để đến di tích.




2. Loại hình, sự kiện, đặc điểm di tích
Loại hình: Dựa vào địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học, khu vực thiên nhiên xung quanh hang động chứa đựng những dấu tích về các giai đoạn phát triển của trái đất, cùng cảnh quan môi trường, sinh thái thì hang động Tìa Chớ được xếp vào loại hình: Danh lam thắng cảnh.



Sự kiện: Hang động Tìa Chớ thuộc thuộc địa phận bản Há Là Chủ B, xã Hừa Ngài, nơi hội tụ sự đa dạng của thiên nhiên: Địa chất, địa mạo, địa hình, khí hậu, môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên… tuy nhiên hang động Tìa Chớ chưa được quan tâm kịp thời, các nhân chứng, người am hiểu về sự tích, nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử không còn và không nhớ rõ.
Đặc điểm di tích: Di tích có cảnh quan môi trường sinh thái có giá trị về văn hóa, du lịch, thẩm mỹ.
3. Phạm vi, quy mô, cảnh quan thiên nhiên, địa chất, địa mạo, hệ sinh thái đặc thù của di tích
Hang động cao khoảng 1.200 m so với mực nước biển, nằm trong quần thể núi đá vôi, được thiên nhiên kiến tạo, cùng dòng chảy của mạch nước ngầm trong lòng và trên đỉnh núi, sự vận động hàng triệu năm của trái đất, quá trình kast hòa tan là hiện tượng phong hóa đặc trưng của núi đá vôi nước chảy xói mòn, đã tạo nên hang động tự nhiên với thảm thực vật đa dạng, phong phú nhũ đá mang các hình thù khác nhau.



Hang động Tìa Chớ có hai cửa quay theo hướng Đông - Bắc; cửa thứ nhất rộng khoảng 8,5 m, cao khoảng 2,2 m, cửa thứ hai cách cửa thứ nhất khoảng 40 m theo hướng phía Bắc, cửa thứ hai rộng khoảng 9,8 m, cao khoảng 4,2 m. Hang động có tổng chiều sâu khoảng 298 m, hình chữ "V", chia thành 3 khoang.
Khoang thứ nhất: Sâu khoảng 84 m nằm hướng sang bên trái so với cửa hang; chiều rộng khoảng 8 - 10 m, vòm cao trung bình từ 10 - 12 m.
Khoang thứ hai: Có chiều sâu khoảng 133 m, nằm hướng sang bên phải so với cửa hang và khoang thứ nhất, nơi rộng nhất khoảng 8 - 12 m, vòm cao từ 6 - 8 m, đặc biệt ở khoang thứ hai có 2 cửa.
Khoang thứ ba: Có chiều sâu khoảng 81 m, có vị trí cao hơn khoang thứ hai khoảng 7 m, được ngăn cách bởi hai trụ đá lớn như “cổng chào” đường kính 80 - 100 cm cao khoảng 8 - 10 m, phía sau là một ang nước trong vắt hình bán nguyệt, xung quanh là những thửa ruộng bậc thang trải dài đến cuối khoang.
4. Giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học
Giá trị về lịch sử: Hang động Tìa Chớ là một di sản văn hóa độc đáo, chứa đựng những dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử của vỏ trái đất, cũng như các tiến trình địa chất đang diễn ra hay quá trình hình thành các dạng đất đai hoặc đặc điểm về địa hình, địa mạo đa dạng sinh học.
Giá trị về văn hóa: Hang động Tìa Chớ như một tác phẩm nghệ thuật tạo hình kỳ lạ của tạo hoá, được kết hợp tinh tế giữa điêu khắc và hội hoạ cùng với những dáng vẻ của những cột đá, măng đá, nhũ đá, các thửa ruộng bậc thang… Hang động Tìa Chớ không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật tĩnh mà luôn biến đổi về kiểu dáng, màu sắc theo cách nhìn của người thưởng thức. Đến thăm quan hang động Tìa Chớ sẽ tạo cho du khách có những khoảnh khắc thư thái; đây cũng là nguồn cảm hứng vô tận cho những nhà sáng tác thơ văn, hội hoạ, kiến trúc.
Giá trị về mặt khoa học: Hang động Tìa Chớ là cơ sở để các nhà khoa học nghiên cứu các chu kỳ vận động, sự hình thành các dạng đất đai, đặc điểm về địa hình, địa mạo và môi trường sinh thái, là cơ sở khoa học được ví như bảo tàng địa chất lưu giữ những thông tin về quá trình hình thành lớp vỏ trái đất cách đây hàng triệu năm.
5. Giá trị về mặt du lịch, thẩm mỹ
Danh lam thắng cảnh Hang động Tìa Chớ mang vẻ đẹp tự nhiên, do thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất và con người nơi đây, cùng với công tác bảo tồn, khai thác phát triển du lịch kết nối các điểm tham quan ở Mường Chà như: Di tích danh lam thắng cảnh quốc gia hang động Huổi Cang, Huổi Đáp; di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh hang động Hắt Chuông; di tích khảo cổ cấp tỉnh hang Thẩm Tâu, xã Pa Ham; rừng Ban trên đường đi vào bản Thèn Pả, xã Sa Lông… gắn kết tiềm năng du lịch sinh thái và văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc với những giá trị di sản văn hóa phi vật thể mang đậm nét văn hóa dân tộc vùng Tây Bắc, đáp ứng nhu cầu thăm quan, nghiên cứu, giải trí, phát triển du lịch trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho Nhân dân.
6. Thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di tích




Danh lam thắng cảnh hang động Tìa Chớ còn giữ nguyên được vẻ đẹp hoang sơ, là tuyệt tác được tạo nên từ thiên nhiên, không gian và cảnh vật xung quanh hang động đến nay còn nguyên vẹn. Để bảo vệ và phát huy giá trị di tích, các cấp ủy đảng, chính quyền xã Hừa Ngài cần tăng cường công tác tuyên truyền tới Nhân dân nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ để phát huy giá trị, đó là tài sản quý giá của thiên nhiên, phát huy được lợi ích kinh tế, xã hội trong việc khai thác phục vụ hoạt động du lịch.
Nguyễn Quang Hợp - Phó Chủ tịch UBND huyện