Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021

Năm 2021, thiên tai trên địa bàn huyện diễn ra phức tạp, ước tính tổng thiệt hại khoảng 26.618,2 triệu đồng.

Năm 2021, thiên tai trên địa bàn huyện diễn ra phức tạp: Xảy ra rét đậm vào tháng 1, 2; mưa đá, gió lốc xuất hiện vào tháng 3, 4, 5, 6; lũ quét, sạt lở đất xảy ra vào tháng 7, 8, 9, 10 đã gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và tài sản của Nhân dân, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn, tuy nhiên không có thiệt hại về người. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 26.618,2 triệu đồng, trong đó: Thiệt hại về người: 0; Thiệt hại về nhà ở của dân: 13 hộ, ước thiệt hại 35 triệu đồng; Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp: Ước thiệt hại 1.822,2 triệu đồng (Thiệt hại về trồng trọt: Ước thiệt hại 418 triệu đồng; Thiệt hại về chăn nuôi: Ước thiệt hại 1.399,2 triệu đồng); Thiệt hại về cơ sở hạ tầng: Ước thiệt hại 24.761 triệu đồng (Thiệt hại về thủy lợi: Thiệt hại 3 công trình tại 4 xã, ước thiệt hại và kinh phí thực hiện khắc phục 18.500 triệu đồng.; Thiệt hại về giao thông: Thiệt hại 05 tuyến, ước thiệt hại 1.620 triệu đồng; Thiệt hại về trường học: Thiệt hại 7 trường, ước thiệt hại và kinh phí thực hiện 641 triệu đồng; Công trình nước sinh hoạt: Thiệt hại 03 công trình, ước kinh phí sửa chữa, khắc phục 4.000 triệu đồng).

Trước diễn biến đó, UBND huyện đã chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn thống kê thiệt hại, hư hỏng và triển khai khắc phục hậu quả, hỗ trợ như sau: Chỉ đạo các xã có nhà ở bị thiệt hại huy động nhân lực tại chỗ giúp đỡ các hộ gia đình sửa chữa khắc phục nhà ở để đảm bảo ổn định đời sống cho người dân. Đồng thời hỗ trợ cho hộ gia đình bị thiệt hại nhà ở do gió lốc với tổng kinh phí 15 triệu đồng. Hoàn thiện các thủ tục và hỗ trợ cho các hộ gia đình có trâu bò bị chết rét với tổng kinh phí 364 triệu đồng. Vận động người dân khôi phục lại số diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại. Huy động nhân lực tại chỗ hót sạt, khơi thông tạm các công trình thủy lợi, các tuyến giao thông bị sạt lở, vùi lấp để đảm bảo cung cấp nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, đảm bảo cho các phương tiện giao thông và người dân đi lại; đồng thời giao chủ trương và bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa khắc phục các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt bị hư hỏng nặng. Bên cạnh đó, UBND huyện đã ban hành quyết định về việc giao kế hoạch thu Quỹ phòng, chống thiên tai năm 2021 trên địa bàn huyện Mường Chà, tổng số quỹ đã thu được năm 2021 đến hiện tại là 338.889.935 đồng.

Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Điện Biên, tình hình thời tiết, thiên tai năm 2022 có diễn biến phức tạp, bất thường, khó dự đoán, do vậy UBND huyện đã đề ra 11 nhiệm vụ trọng tâm trong năm tiếp theo như sau: (1) Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, xây dựng phương án, nhiệm vụ năm 2022 sát với thực tế. Kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đảm bảo hoạt động thường xuyên, hiệu quả; tổ chức, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ huy. (2) Xây dựng, kiểm tra, bổ sung nội dung phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ; tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức của người dân về thiên tai, triển khai có hiệu quả việc quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. (3) Tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Luật phòng, chống thiên tai, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai trong cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và Nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức. (4) Chủ động đầu tư, dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng dịch để đáp ứng kịp thời khi có thiên tai xảy ra, nhất là các xã còn gặp khó khăn về giao thông, đi lại trong mùa mưa lũ. Chủ động khắc phục có hiệu quả những thiệt hại do thiên tai gây ra, sớm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân vùng bị thiên tai. (5) Duy trì thường xuyên chế độ thường trực 24/24h trong suốt mùa mưa, lũ và chế độ thường trực theo quy định, báo cáo kịp thời tình hình và kết quả triển khai nhiệm vụ. (6) Tiến hành kiểm tra, rà soát, xác định những khu vực có nguy cơ về lũ, lũ quét, sạt lở đất… gây mất an toàn trên địa bàn trước mùa mưa, lũ năm 2022 để xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sát với tình hình của từng xã, từng đơn vị, nhằm chủ động xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống có thể xảy ra trước, trong, sau mùa mưa lũ. (7) Kiên quyết di dời hoặc sơ tán những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm. (8) Tổ chức kiểm tra, kiên quyết đình chỉ thi công đối với các dự án có thải đất đá gây cản trở thoát lũ hoặc gây sạt lở, lấp dòng chảy tạo nguy cơ lũ bùn đá; xử lý những tổ chức, cá nhân lấn chiếm dòng chảy yêu cầu hoàn trả lại dòng chảy như trạng thái ban đầu. (9) Chỉ đạo việc phòng, chống, cảnh báo và có biện pháp cụ thể ngăn ngừa các thiệt hại do thiên tai như gió lốc, mưa đá, lũ lụt, sạt lở đất và cháy rừng có thể xảy ra nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về người và tài sản. (10) Tăng cường hoạt động của đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, thôn, bản để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. (11) Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 113-KH/TU ngày 27/7/2020 của Tỉnh ủy Điện Biên về thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí 8 thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai./.

TB