Mường Chà: Tiềm năng phát triển du lịch hang động

Update 04 - 01 - 2019
100%

          Pa Ham là một xã vùng xa của huyện, cách trung tâm huyện Mường Chà gần 80km, xã được hình thành từ khi huyện bắt đầu được thành lập. Phía Đông giáp xã Trung Thu của huyện Tủa Chùa; Phía Tây giáp xã Hừa Ngài; Phía Nam giáp xã Nậm Nèn và phía Bắc giáp xã Sá Tổng, huyện  Mường Chà. Xã có tổng diện tích tự nhiên 3.221,29 ha, toàn xã có 09 bản, có 03 dân tộc cùng sinh sống là Dân tộc Kinh, dân tộc Thái, dân tộc H’Mông. Với địa hình gồm sông suối, rừng, núicó nhiều cảnh đẹp thơ mộng với núi non hùng vĩ, cảnh đẹp sông nước, cùng vẻ đẹp kỳ vĩ chứa bao điều bí ẩn như : hang động 72, hang sơ tán… Quần thể hang động Huổi Cang, Huổi Đáp chính là tuyệt tác nghệ thuật của thiên nhiên, nơi có thể thỏa mãn niềm đam mê khám phá của những người yêu thiên nhiên, ưa du lịch. Được thiên nhiên ưu ái ban tặng nguồn tài nguyên đa dạng, độc đáo. Đó là điều kiện để phát triển những tiềm năng du lịch nơi đây đang dần được đánh thức. Trong đó tiềm năng về du lịch hang động là rõ rệt nhất.

          Quần thể di tích danh lam thắng cảnh hang động Huổi Cang, Huổi Đáp nằm trên khu vực có tên Pom Thẳm Bẻ (hay còn gọi đồi hang dê theo tiếng địa phương) thuộc bản Huổi Cang, bản Huổi Đáp, xã Pa Ham, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.Quần thể nằm trong khu vực núi đá vôi, cao khoảng 480m so với mực nước biển, hang động Huổi Cang và hang động Huổi Đáp cách nhau khoảng 450m, xung quanh hang động là khu rừng tái sinh, nương rẫy của nhân dân và một số hang động nhỏ khác nằm quanh khu vực xã như: Hang động 72, hang sơ tán… 

          Hang động Huổi Cang nằm ở vị trí giáp ranh giữa hai quả đồi, cửa hang quay theo hướng Đông Nam, hang động có tổng chiều dài 1.016m,cửa hang nhỏ hẹp độ dốc lớn, chiều rộng 01m; cao1,5m, để vào được bên trong cần có thang hoặc phải leo xuống men theo các kẽ đá, sau đó đi khoảng 15m để vào khoang thứ nhất, Hang được chia làm ba khoang chính (khoang 1: thứ nhất có tổng chiều dài 214m, chỗ rộng nhất khoảng 05 - 10m, cao 10 - 12m; khoang 2: Ăn sâu xuống lòng đất, có độ đốc thoai thoải, thấp hơn khoang thứ nhất khoảng 05m, để vào được khoang thứ 02 chúng ta phải khom lưng, cúi mình rẽ phải, qua một ngách rộng chừng 2m, cao 0,8 đến 01m, tại khoang này nơi rộng nhất từ 10-12m, cao 10-15m, với tổng chiều sâu 520m; khoang 3: với chiều sâu 282m, ngay cửa khoang ta bắt gặp ngay khối nhũ đá có hình một quả trứng khổng lồ. Tại khoang này được chia thành hai ngách lớn và các ngách nhỏ, ở mỗi ngách trên trần và hai bên vách hang động là những khối nhũ đá với nhiều hình thù đa dạng, khối thì như hình quả chuông, trong khung cảnh hang động khi chạm vào phát ra tiếng kêu thánh thót đến lạ kỳ, khối thì như những đám măng đá tua tủa sắc nhọn, khối thì mang hình thù của các con vật như: Sư tử biển, tê giác một sừng, hình chim, hình rèm,... ) và nhiều ngách nhỏ, phần lớn dưới nền hang động là đất, đá, hai bên vách và trần hang có rất có nhiều nhũ đá, màu xám, vàng, trắng, xanh rêu mang hình thù như các cột đá, măng đá, hình rèm, hình những cây nấm, hình Tượng phật, hình các con vật như: Khủng long, tê giác một sừng, voi, hải cẩu, cá…

( Một số hình ảnh trong hang động Huổi Cang )

          Hang động Huổi Đáp nằm trên địa bàn bản Huổi Đáp, hang động có tổng chiều dài 350m. Cửa hang động quay về hướng Đông - Nam, có kích thước rộng  03m, cao 1,5m ăn sâu xuống lòng đất, để vào được bên trong hang động du khách phải men theo những tảng đá lớn, ghồ ghề, bám chắc vào vách đá rồi tụt sâu xuống khoảng khoảng 05-07m, khi đặt chân tới đây du khách sẽ ngỡ ngàng bắt gặp nhiều khối nhũ đá mang hình thù đẹp mắt, dưới ánh sáng tự nhiên từ cửa hang động hắt vào, cùng với ánh đèn đã làm cho cảnh vật nơi đây, thêm phần lung linh huyền ảo, kích thích sự hiếu kỳ, khám phá. Hang được chia làm ba khoang chính (khoang 1: có chiều dài khoảng 100m, nơi rộng nhất 25-30m, khoang rộng như một hội trường lớn có sức chứa khoảng 1.000 người. Vòm hang động cao khoảng 15-20m là những khối nhũ đá màu ánh vàng và xanh xám liên kết thành từng mảng lớn, mang hình thù các con vật như đang ẩn mình trong những nhũ đá, hốc đá và măng đá; khoang 2: có chiều dài khoảng 140m, nơi rộng nhất 05-10m, gồm  02 lối vào và chia 03 ngách nhỏ; khoang 3: là khoang cuối cùng của hang động, chiều dài khoảng 100m, lối vào nhỏ chiều rộng 0,5m; cao 0,6m đến 1,8m, để vào được bên trong du khách phải nằm nghiêng người để chui qua, sau đó đi khom lưng để khám phá; khoang được chi thành hai ngách nhỏ).

( Một số hình ảnh trong hang động Huổi Đáp )

Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên của quần thể hang động Huổi Cang, Huổi Đáp Xã Pa Ham đã đi vào lịch sử trong cuộc chiến tranh Biên Giới năm 1979, nơi đây đã từng là nơi sơ tán của người dân và các cơ quan, Ban ngành tỉnh Lai Châu (cũ) nay là tỉnh Điện Biên, nơi đây không chỉ là nơi sơ tán để bảo toàn tính mạng cho người dân, mà còn là nơi cất dấu lương thực, kho bạc và các loại vũ khí, đạn dược của quân và dân tỉnh Lai Châu trong những năm chiến tranh.

 

Quần thể di tích hang động Huổi Cang, Huổi Đáp là tuyệt tác của thiên nhiên, trải qua hàng triệu năm cùng sự vận động, bào mòn và những rung chấn của các tầng địa chất đã tạo nên vẻ đẹp của hang động nơi đây. Để có cơ sở pháp lý bảo vệ, khai thác phát huy giá trị của quần thể hang động. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hướng dẫn Phòng Văn hóa thông tin huyện Mường Chà thành lập tổ bảo vệ, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các di tích, danh lam thắng cảnh, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại di tích, xã Pa Ham hướng dẫn bố trí người dẫn khách vào trong hang động để tham quan, nghiên cứu, tuyên truyền, giới thiệu quảng bá tới công chúng, đồng thời tiến hành lập hồ sơ khoa học cho di tích, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng quần thể di tích danh lam thắng cảnh hang động cấp Quốc gia.

Tin, ảnh : Hoàng Gia Minh          

Thứ 4 Ngày 19/2/2020, 10:13:24 PM

Chỉ đạo điều hành

Công khai gửi nhận văn bản

Tình hình giải quyết hồ sơ

°
1546 người đang online