Ngày 27/3/2023, UBND huyện Mường Chà đã tổ chức Lễ công bố quyết định, đón nhận Bằng xếp hạng di tích khảo cổ cấp tỉnh hang Thẩm Tâu, bản Pa Ham, xã Pa Ham, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên
1. Tên gọi, địa điểm
Hang Thẩm Tâu nằm trên địa phận bản Pa Ham, xã Pa Ham, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, theo cách gọi của tiếng địa phương của dân tộc Thái (Thẩm nghĩa là hang, Tâu nghĩa là tro), do trên nền hang xuất hiện các hạt mịn giống tro bếp vì vậy người dân gọi hang Thẩm Tâu. Để đến được di tích khảo cổ hang Thẩm Tâu, có thể đi bằng phương tiện ô tô, xe máy (buổi chiều ngày 27/3/2023 các đại biểu đã đến thăm quan).
2. Căn cứ về di tích khảo cổ
Căn cứ những phát hiện như cấu tạo tầng văn hóa, mộ táng, di cốt người cùng nhiều di vật đá, xương răng động vật... qua nghiên cứu, phân tích cho thấy đây là nơi cư trú của người nguyên thủy. Lớp văn hóa sớm là sự xuất hiện của các công cụ ghè đẽo một mặt đặc trưng cho kỹ nghệ chế tác đá Hòa Bình; nhận định ban đầu đây là nơi cư trú của người tiền sử thời hậu kỳ đá cũ dài tới sơ kỳ đá mới (nền văn hóa Hòa Bình) có niên đại cách ngày nay khoảng 10.000 năm đến 15.000 năm. Lớp văn hóa muộn là sự xuất hiện của cư dân biết chế tác và sử dụng đồ gốm với phong cách trang trí chia sẻ nhiều nét tương đồng với giai đoạn tiền Đông Sơn ở khu vực đồng bằng sông Hồng; niên đại dự đoán của lớp văn hóa sớm có thể nằm trong khoảng 7.000 năm tới 9.000 năm; niên đại của lớp văn hóa muộn lớp trên có thể tồn tại khoảng 3.000 năm tới 3.500 năm. Với những đặc điểm trên di tích hang Thẩm Tâu được xếp vào loại hình di tích khảo cổ.
3. Đặc trưng, tính chất của di tích
Đặc trưng: Tiêu biểu hiện vật có sự đa dạng về loại hình đồ gốm, đồ đá, cụ thể: Đồ đá thu được từ 4 hố khai quật khoảng trên 2000 tiêu bản, trong đó trên mảnh tước, mảnh tách chiếm số lượng lớn. Đồ gốm khoảng hơn 130 tiêu bản, nằm rải rác ở các lớp thuộc tầng văn hoá I, đồ gốm đều được làm từ đất sét pha hạt sạn thạch anh nghiền nhỏ trộn lẫn; gốm có màu đỏ hoặc xám đen, có cấu trúc xương chắc và đanh.
Tính chất: Kết quả cho thấy có thể khẳng định Thẩm Tâu là một di chỉ cư trú và mộ táng của người tiền sử trên mảnh đất Điện Biên.
4. Khái quát về phạm vi, quy mô của di tích
Hang Thẩm Tâu nằm ở độ cao 329 m so với mực nước biển, có 3 cửa quay theo hướng Tây và Tây Nam, hang có tổng chiều sâu gần 200 m. Khoang thứ nhất có chiều dài khoảng 120 m, vách hang có nhiều nhũ đá hình rèm, đèn chùm các khối đá xếp trồng lên nhau tạo thành hình các con vật, hình cỏ cây hoa lá, các cột đá, măng đá và chuông đá… mang màu xám và rêu xanh. Nền hang gồ ghề, có sự xáo trộn và thấp dần về phía Tây và Tây Nam. Khoang thứ hai có chiều sâu khoảng 70 m; nền hang cao dần về hướng Đông Bắc, khá bằng phẳng; cuối khoang nền vòm thấp, nền bằng phẳng hơn.
5. Đặc điểm, tầng văn hóa, hiện vật trong di tích
Trong lớp văn hóa I phát hiện xương răng động vật, mộ táng, đồ gốm trang trí khắc vạch, văn thừng, văn sóng nước và một số lượng đáng kể các hiện vật đá.
Lớp văn hóa II có màu sắc và cấu trúc khá khác biệt so với lớp văn hóa I. Trầm tích văn hóa mầu nâu và có chứa nhiều canxit cacbonat. Cấu trúc của lớp văn hóa II khô và bở rời. Văn hóa vật chất phát hiện ở đây bao gồm các công cụ mảnh, mảnh tước, mảnh tách, công cụ hạch cuội ghè một mặt, thổ hoàng và rìu mài lưỡi từ hạch cuội suối nguyên. Gốm hoàn toàn vắng mặt trong lớp văn hóa này. Hiện vật đá bao gồm công cụ hạch, công cụ mảnh, mảnh tước, mảnh tách…
Bằng chứng cho thấy tại cột măng đá, có một giai đoạn mưa lớn và độ ẩm cao, đây chính là tác nhân tạo nên cột măng này khiến cho các hiện vật đá, xương răng động vật đã bị nhiễm canxit và do đó tốc độ xương, răng động vật bị hóa thạch nhanh hơn.
Về thành phần loài động vật, các loài thú nhỏ, thú ăn thịt được phát hiện với số lượng khá lớn, trong số đó có hàm, răng tê giác.
Về mộ táng phát hiện có 4 mộ.
6. Giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học
Giá trị lịch sử: Hang động Thẩm Tâu có giá trị đặc biệt quan trọng đối với di sản khảo cổ, chứa đựng những câu chuyện về lịch sử hàng vạn năm trước đây, một bằng chứng về sự cư trú lâu đời thời tiền sơ sử, phản ánh sự tương thích của con người với biến động của môi trường, chế tác rìu đá, gắn liền với hoạt động kinh tế săn bắt, hái lượm và trồng trọt sơ khai, cũng như văn hóa ứng xử nhân văn của con người qua các táng thức.
Giá trị văn hoá: Từ kết quả nghiên cứu nhiều mặt của di tích sẽ giúp chúng ta thấy rõ quá trình tiến hóa của loài người. Việc phát hiện và khai quật hang Thẩm Tâu đã trở thành mảng màu đặc sắc trong văn hóa Tiền - Sơ sử của cư dân cổ miền Bắc Việt Nam. Kết quả thám sát, khai quật hang Thẩm Tâu là cơ sở để xây dựng phương án tham quan du lịch gắn với bảo vệ và phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Giá trị khoa học: Hang Thẩm Tâu có giá trị địa chất địa mạo tiêu biểu ở vùng núi Tây Bắc, một hiện tượng địa chất độc đáo nằm sâu trong lục địa, không chịu tác động của biển. Đặc biệt hang Thẩm Tâu còn có giá trị rất lớn đối với lĩnh vực nghiên cứu địa chất và cổ khí hậu mà tại Việt Nam mới chỉ bắt gặp cấu trúc địa tầng tương tự được nghiên cứu tại hang Con Moong (Thanh Hoá).
Từ kết quả thám sát, khai quật, chúng ta khẳng định rằng việc nghiên về mặt khoa học, cổ sinh, nhân chủng học, tìm hiểu văn hóa của khu vực Tây Bắc trong mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, sự phát triển của loài người, về cuộc sống của người nguyên thủy từ các hình thức sinh hoạt đến các hình thái kinh tế - xã hội.
7. Giá trị thẩm mỹ, du lịch
Hang động Thẩm Tâu được tạo hoá ưu đãi ban tặng phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, có thể liên kết thành tuyến du lịch trải nghiệm sông nước, ngắm cảnh, đánh bắt thủy sản trên dòng sông Nậm Mức, liên kết thành tour du lịch với di tích quốc gia Danh lam thắng cảnh hang động Huổi Cang, Huổi Đáp, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh Hang động Hắt Chuông. Đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí của Nhân dân và du khách, bên cạnh đó nếu được đầu tư, khai thác sử dụng sẽ tạo việc làm cho Nhân dân trong khu vực, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Di chỉ khảo cổ học nơi ghi dấu sự phát triển, địa bàn cư trú của người tiền sử, là nguồn sử liệu vô cùng quan trọng góp phần nghiên cứu nguồn gốc loài người và các nền văn hoá cổ xưa của loài người. Di chỉ khảo cổ hang Thẩm Tâu thể hiện rõ quá trình tiến hoá cũng như giải mã những thông tin về cuộc sống con người thời tiền sử ở vùng Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng.
Nguyễn Quang Hợp - Phó Chủ tịch UBND huyện