NHCSXH huyện Mường Chà là người bạn đồng hành tin cậy, giúp nông dân xã Hừa Ngài xoá đói giảm nghèo.
Huyện Mường Chà là một trong 7 huyện khó khăn của tỉnh. Người dân các xã vùng cao của huyện sống phụ thuộc vào nương rẫy là chủ yếu, thu nhập rất thấp. Để tăng gia sản xuất, người dân phải dựa vào nguồn vốn chính sách. Vay vốn mua giống gia súc, gia cầm để tăng gia và để phục vụ sản xuất ; Vay vốn để chuyển đổi, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng vật nuôi, là nhu cầu thiết yếu của người dân nơi đây .
Page Content
Hừa Ngài là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Mường Chà. Người dân nơi đây sống dựa chủ yếu vào sản xuất nương rẫy và chăn nuôi nhỏ lẻ. Để tăng gia cải thiện đời sống và có thêm thu nhập, người dân nghèo nơi đây dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng Chính sách xã hội là chủ yếu. Xã Hừa Ngài có tỷ lệ hộ nghèo trên 62%. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 4-5%, chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể xã tích cực vận động người dân vay vốn chăn nuôi, tăng thu nhập. Hiện nay toàn xã có 15 tổ vay vốn tiết kiệm trong hệ thống ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 32,5 triệu đồng. Trong các chương trình vay vốn, chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, là các chương trình được người dân xã Hừa Ngài vay nhiều nhất. Ngoài ra họ còn vay vốn theo các chương trình làm nhà ở, vay vốn giải quyết việc làm và vay chương trình nước sạch - vệ sinh môi trường.

Gia đình anh Mùa A Long, bản Há La Chủ A, xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà từng là hộ nghèo. Để vươn lên trong cuộc sống, gia đình anh đã vay vốn chính sách để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình anh dần ổn định và thoát nghèo. Tuy đã thoát nghèo, nhưng những bất trắc trong cuộc sống lại ập đến, gây khó khăn cho gia đình anh. Trong những thời điểm khó khăn, anh vẫn luôn có sự hỗ trợ của ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Trước cũng thiếu thốn, vay ngân hàng 50 triệu, mua lợn và nuôi cả trâu. Vừa rồi vợ lại mất thì cũng rất là khó khăn. Lợn bây giờ cũng bán, mua mấy con này về để định cưới cho con trai và con dâu.

Chị Sùng Thị Say, bản Há La Chủ B là một trong những hộ đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Gia đình chị từng là hộ khó khăn trong bản. Nhờ nguồn vốn vay từ ngân hàng Chính sách xã hội mà chị mua được trâu, mua được lợn để tăng gia. Con trâu mẹ gia đình dùng cày ruộng, mỗi năm lại đẻ thêm một con nghé con. Nuôi nghé con lớn rồi bán, đó là phần lãi gia đình anh có được từ nuôi trâu. Ngoài nuôi trâu, chị Say còn nuôi lợn tăng gia. Nuôi vài con lợn trong chuồng, chị hy vọng đàn lợn sẽ sinh sôi nảy nở. Khi gia đình có việc cần, sẽ sẵn lợn để làm thực phẩm. Chăm chỉ làm nương và chăn nuôi, gia đình chị Say dần trả hết vốn vay ngân hàng Chính sách xã hội và đã thoát nghèo. Chị rất vui vì điều này.
Gia đình tôi trước kia là hộ nghèo. Tôi vay vốn mua trâu, mua lợn về nuôi. Nuôi lợn thì chủ yếu để gia đình tự cung tự cấp. Có trâu để cày ruộng, cày nương, gia đình tôi đỡ vất vả, làm được nhiều hơn và đã thoát nghèo. Trâu mỗi năm đẻ thêm được 1 con, tôi nuôi lớn rồi bán.
Hoạt động trên địa bàn huyện vùng cao, biên giới, đời sống đồng bào các dân tộc còn nghèo khó, điều kiện sản xuất nhiều bất lợi, việc triển khai hiệu quả các chương trình cho vay vốn chính sách vẫn gặp khó. Tuy vậy, đội ngũ cán bộ tín dụng phòng giao dịch ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Chà vẫn luôn nỗ lực duy trì các chương trình cho vay vốn do Chính phủ triển khai. Từ đầu năm 2023 đến nay, phòng giao dịch cũng triển khai thêm một số chương trình cho vay mới có ý nghĩa thiết thực với đồng bào các dân tộc vùng cao. Họ đã trở thành người bạn đồng hành tin cậy, giúp nông dân các xã miền núi, biên giới Mường Chà vượt khó vươn lên, nắm bắt cơ hội làm giàu chính đáng.
Đức Hảo – NHCSXH