Ngân hàng chính sách huyện Mường Chà đang quản lý 15 chương trình cho vay vốn chính sách, trong đó các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và cho vay sản xuất kinh doanh tại vùng khó là các chương trình có tổng dư nợ lớn nhất. Các chương trình cho vay ưu đãi này đã tiếp sức cho hàng nghìn hộ nông dân các xã vùng cao huyện Mường Chà phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng.
Mường Chà hiện là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 49% số hộ dân toàn huyện. Dân cư trên địa bàn sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó sản xuất trên nương rẫy chiếm phần lớn. Để hỗ trợ bà con nông dân trên địa bàn xóa đói, giảm nghèo, những năm gần đây, chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất. Chính sách tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đã tạo động lực lớn cho bà con nông dân huyện Mường Chà thực hiện chủ trương chuyển đổi sản xuất của địa phương.
Trước đây bà con nông dân các xã vùng cao huyện Mường Chà thường trồng sắn và trồng luân canh, xen canh ngô, lạc, đậu tương trên vùng nương rẫy. Sau đó giá cả các loại nông sản truyền thống này không ổn định, cho thu nhập không cao, nên người dân chuyển sang trồng dứa. Cây dứa được đưa về trồng trên vùng nương rẫy của huyện Mường Chà vào khoảng năm 2010-2012. Loại cây này khá phù hợp với các vùng đất dốc, lại cho thu nhập cao nên được bà con nông dân các xã Na Sang, Mường Mươn, Sa Lông nhân rộng. Cây dứa đã trở thành cây trồng chủ lực ở các xã này và quả dứa được huyện Mường Chà phát triển thành sản phẩm OCOP của địa phương. Trong những năm qua, nguồn vốn cho vay ưu đãi từ ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp cho hàng trăm hộ nông dân huyện Mường Chà chuyển đổi các diện tích nương rẫy bạc màu sang trồng dứa. Sau một số năm họ nhanh chóng trả được vốn vay, tiếp tục mở rộng sản xuất và đã có của ăn, của để.

Sống trên vùng nương rẫy bạc màu bị bỏ hoang nhiều năm, thiếu đất làm ăn, gia đình ông Quàng Văn Choi ở bản Na Sang, xã Na Sang từng phải sống cảnh nghèo khó. Suy nghĩ, tìm tòi, nhận thấy mô hình trồng dứa là mô hình đòi hỏi đầu tư không nhiều, tốn ít công chăm sóc nhưng mang lại thu nhập cao, ông mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội huyện để đầu tư trồng dứa. Chỉ sau 3 vụ dứa ông đã hoàn trả được số vốn vay. Giờ đây gia đình ông Choi đã có 2ha dứa luân phiên nhau cho thu hoạch, đem lại mỗi năm cả trăm triệu đồng. Vì có thể tự sản xuất giống nên mỗi vụ gia đình ông chỉ phải chi phí mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Đầu tư không nhiều nhưng thu hoạch hằng năm đều khá, ông Choi đã tìm được hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho gia đình. Ông cho biết: “Ban đầu tôi vay ngân hàng Chính sách 50 triệu mua giống, phân bón. Nói chung vay trồng dứa này cũng được, năm thì cũng được hơn trăm triệu, trừ chi phí đi thì còn 1 trăm. Năm trước đây thì được 200 triệu, dứa bán 5.000/1kg. Bán ngoài cho công ty Sơn La, Lai Châu, Lào Cai họ mua thì cứ lên xe là họ trả tiền luôn.”
Không chỉ đầu tư trồng dứa, năm 2019 ông Quàng Văn Choi tiếp tục vay 30 triệu theo chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn với lãi suất 0,75% để trồng cay ăn quả. Cải tạo vườn tạp trồng bưởi, năm nay gia đình ông đã được thu hoạch lứa quả đầu tiên. Vừa qua, gia đình ông cũng được Hội nông dân khen thưởng là hộ sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn.
Không chỉ phát triển mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc, bà con nông dân huyện Mường Chà còn tận dụng điều kiện lợi thế của khu vực sinh sống để phát triển chăn nuôi và làm ao nuôi thả cá. Quá trình xây dựng các mô hình chăn nuôi quy mô, cho thu nhập cao của họ luôn có sự hỗ trợ về vốn từ ngân hàng Chính sách xã hội.
Xã Sa Lông nằm trên khu vực đồi núi có độ dốc lớn. Bà con nông dân địa phương canh tác rất khó khăn. Tuy nhiên vùng đồi núi rộng lớn này vẫn có những lợi thế riêng. Những năm gần đây, ngoài trồng dứa, bà con nông dân Sa Lông còn phát triển mạnh đàn gia súc lớn và tận dụng các khe nước trên núi để đào ao nuôi thả cá. Gia đình ông Vàng Chồng Chìa ở bản Cổng Trời, xã Sa Lông đang sở hữu một khối tài sản lớn với trên 20 con bò và ao nuôi thả cá rộng 2.000m2. Đó là những tài sản có được từ việc vay vốn ngân hàng Chính sách để đầu tư sản xuất. Với người nông dân vùng cao vốn làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, để có thể mở rộng sản xuất, nguồn vốn vay theo chính sách ưu đãi của Nhà nước có vai trò quan trọng. Các hộ nông dân có ý chí vươn lên và có tinh thần lao động cần cù, biết tận dụng lợi thế luôn có cơ hội được hỗ trợ bởi ngân hàng Chính sách xã hội để thay đổi cuộc sống. Gia đình ông Vàng Chồng Chìa là một trong số rất nhiều nông hộ đã có cơ hội ấy. Ông nói: “Gia đình tôi trước cũng không có vốn, được ngân hàng Chính sách cho vay vốn nên mới có tiền mua bò, mua trâu và thả cá. Cuộc sống gia đình giờ cũng khá lên nhiều, mới có tiền cho các con ăn học.”
Bên cạnh 5 chương trình cho vay trước đây, năm 2023, Phòng giao dịch ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Chà tiếp tục triển khai giải ngân 10 chương trình cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, trong đó tổng dư nợ lớn nhất vẫn là các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và chương trình cho vay vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Tính từ đầu năm 2023 tới nay, có trên 1.606 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách trên toàn huyện được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Với nông dân các xã vùng cao Mường Chà điều kiện sản xuất tuy là khó, nguồn vốn tuy là khó, nhưng biết tận dụng lợi thế trong khu vực và tiếp cận được nguồn vốn chính sách, cơ hội vẫn luôn được mở ra, khó khăn của họ đã được khắc phục. Những năm gần đây, với nỗ lực vươn lên của người dân các xã trên địa bàn, tỷ lệ hộ nghèo của huyện ngày càng giảm. Năm 2018 huyện Mường Chà có 58% số hộ là hộ nghèo, đến năm 2019 số hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 53%. Đến nay huyện còn trên 48,91% hộ nghèo. Kết quả đó có một phần đóng góp không nhỏ của các chương trình cho vay vốn chính sách.
Cũng như một số huyện, thị khác, các chương trình cho vay vốn ưu đãi của ngân hàng Chính sách xã hội được triển khai trên địa bàn huyện Mường Chà thông qua các kênh chính là các tổ, nhóm tiết kiệm vay vốn được thành lập tại thôn bản và các tổ tiết kiệm vay vốn do hội, đoàn thể đứng ra tín chấp. Hiện mạng lưới các tổ tiết kiệm vay vốn do phòng giao dịch ngân hàng Chính sách xã hội huyện phát triển trên địa bàn đã lên tới 179 tổ, trải rộng trên 12 xã, thị trấn. Được tiếp cận nguồn vốn chính sách dễ dàng, thuận lợi, hàng trăm hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các xã vùng cao huyện Mường Chà đã nắm bắt được cơ hội, vươn lên làm giàu chính đáng. Nguồn vốn chính sách đã và đang được các hộ nông dân huyện Mường Chà phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở các xã vùng cao khó khăn.Ông Lò Văn Nghiêm – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Chà
“Hiện nay chúng tôi triển khai nhiều chương trình cho vay vốn ưu đãi, nhưng dư nợ lớn nhất vẫn là các chương trình cho vay vốn hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó, chương trình nước sạch vệ sinh môi trường. Nhìn chung các chương trình đều phát huy được hiệu quả. Thuận lợi là được các cấp chính quyền và người dân quan tâm, ủng hộ. Mạng lưới các tổ vay vốn được phát triển trên nhiều thôn bản, các hội đoàn thể cũng phối hợp cho vay tín chấp. Tuy nhiên do ở địa bàn còn nhiều khó khăn, một số nơi chương trình cũng có bị ảnh hưởng trong quá trình thu lãi, thu nợ.”
Hoạt động trên địa bàn vùng cao, vùng xa, biên giới, đời sống đồng bào các dân tộc còn nghèo khó, điều kiện sản xuất nhiều bất lợi, việc triển khai hiệu quả các chương trình cho vay vốn chính sách vẫn gặp khó. Tuy vậy, đội ngũ cán bộ tín dụng phòng giao dịch ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Chà vẫn luôn nỗ lực duy trì và triển khai mới các chương trình cho vay lãi suất thấp có ý nghĩa thiết thực với bà con vùng cao. Họ đã trở thành người bạn đồng hành tin cậy, giúp nông dân các xã miền núi, biên giới Mường Chà vượt khó vươn lên. Tiếp tục thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội khu vực miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tới đây Phòng giao dịch tiếp tục triển khai các chương trình cho vay vốn ưu đãi tới các thôn bản đặc biệt khó khăn, giúp đồng bào nghèo địa phương thoát khỏi đói nghèo, nắm bắt cơ hội làm giàu chính đáng.
Đức Hảo – NHCSXH